“VÉN MÀN” MÔ HÌNH F&B CHỦ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN LƯU Ý NĂM 2025 “VÉN MÀN” MÔ HÌNH F&B CHỦ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN LƯU Ý NĂM 2025

“VÉN MÀN” MÔ HÌNH F&B CHỦ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN LƯU Ý NĂM 2025

07/02/2025 397

Theo Kirin Capital, vào năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam tăng 10,92% so với năm trước, vượt mốc 655 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 11,4 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu từ dịch vụ lưu trú/ăn uống ước tính đạt 481,2 nghìn tỷ đồng (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước).

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, những thay đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt các mô hình kinh doanh mới nổi, ứng dụng công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Dưới đây là một số mô hình kinh doanh F&B quan trọng mà các chủ doanh nghiệp cần lưu ý trong giai đoạn đầu năm 2025.

 

Mô hình Omakase: cơ hội từ xu hướng ẩm thực Nhật Bản

Sự phát triển của Omakase xuất phát từ thay đổi nhu cầu của khách hàng. Sau đại dịch, người tiêu dùng đang tìm kiếm những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và khác biệt, thay vì những bữa ăn bình thường hay dễ dàng tìm thấy ở các chuỗi nhà hàng đại trà. Omakase, với việc phục vụ từng món ăn riêng biệt và tinh tế, mang đến sự gắn kết, tạo cảm giác thân mật và đẳng cấp cho khách hàng. Thực khách sẽ cảm nhận được không chỉ là sự sáng tạo trong món ăn, mà còn là câu chuyện đằng sau từng lựa chọn của đầu bếp – một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với các mô hình nhà hàng truyền thống.

Mặc dù Omakase là mô hình phổ biến trong các thành phố lớn, nơi có sự đa dạng và tinh tế trong các lựa chọn ẩm thực, nhưng khi nhìn vào các tỉnh thành nhỏ, sẽ thấy một khoảng trống lớn trong các dịch vụ ẩm thực cao cấp. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp F&B khi không chỉ tận dụng được không gian mới mẻ, mà còn có thể tiếp cận những khách hàng chưa được khai thác. Các thành phố tỉnh lẻ thường có những cộng đồng khách hàng trung thành, nhưng chưa có nhiều lựa chọn phong phú trong việc thưởng thức ẩm thực đẳng cấp, chính vì vậy, việc đưa Omakase vào những địa phương này không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn tạo dựng được một thị trường tiềm năng đầy triển vọng.

Bây giờ, hãy thử nghĩ xem Nhà hàng của bạn có thể phục vụ theo mô hình Omakase thú vị này không?

 

Tự động hóa và robot trong vận hành: tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả

Trong vòng 3-5 năm tới, tự động hóa và ứng dụng robot trong ngành F&B sẽ trở thành xu hướng chủ đạo bởi nhu cầu về hiệu quả và tối ưu hóa chi phí trong ngành F&B đang ngày càng tăng. Robot có thể thay thế công việc thủ công, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân lực, giúp các nhà hàng và quán ăn tiết kiệm chi phí nhân sự, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc. Việc tự động hóa quy trình chế biến món ăn, phục vụ khách hàng và dọn dẹp giúp giảm thiểu sai sót, tăng tốc độ phục vụ và nâng cao chất lượng trải nghiệm khách hàng. 

 

Bên cạnh đó, robot mang lại sự đổi mới và sáng tạo trong cách thức phục vụ, tạo ra một trải nghiệm khác biệt cho khách hàng, từ đó tăng tính cạnh tranh. Các thực khách không chỉ tìm kiếm món ăn ngon mà còn mong muốn có một trải nghiệm độc đáo, hiện đại và tiện lợi.

Một ví dụ điển hình là robot Bella tại TP.HCM, được triển khai tại các nhà hàng với khả năng phục vụ món ăn và đồ uống một cách chính xác và hiệu quả. Bella không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức mà còn tạo ra một không gian nhà hàng sang trọng và hiện đại. Chính vì vậy, việc ứng dụng robot trong ngành F&B không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn gia tăng sự cạnh tranh và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

 

 

Tích hợp online và offline và chuyển đổi số trong phương thức kinh doanh

Sau đại dịch khi thị trường bắt đầu phục hồi, kinh doanh F&B được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh tại Việt Nam. Đầu tiên có thể kể đến hầu hết các cơ sở kinh doanh hiện này đều đã thay đổi phương thức bán hàng, chuyển từ kinh doanh offline, chỉ bán hàng tại chỗ, sang kinh doanh online và tích hợp đa kênh. Tiếp đến, marketing online cũng là một xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường F&B Việt Nam. Rõ nhất có thể nhìn vào các nhà hàng, quán cà phê, hoặc ngay cả những quán ăn bình dân cũng đầu tư lập fanpage, tạo website, thậm chí là thiết kế ứng dụng riêng để xây dựng hình ảnh thương hiệu và hệ thống tiện ích cho hoạt động kinh doanh của mình.

Thực tế, nhiều thương hiệu lớn như Starbucks hay các chuỗi cà phê tại Việt Nam đang chuyển mình sang việc tối ưu hóa các kênh bán hàng online song song với hệ thống cửa hàng offline. Việc đặt hàng qua ứng dụng, nhận giao hàng tận nhà, hay thậm chí trải nghiệm thực phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến trở thành một thói quen không thể thiếu. Các nghiên cứu cho thấy 70% khách hàng hiện nay lựa chọn đặt món qua app thay vì trực tiếp đến cửa hàng, và số lượng này vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi năm.

 

Sự nổi lên của Mô hình Bếp ảo – Cloud Kitchen

Bên cạnh đó, Cloud Kitchen, hay còn gọi là nhà bếp ảo, là một mô hình kinh doanh F&B không cần mặt bằng bán hàng trực tiếp mà chỉ tập trung vào việc chuẩn bị và giao hàng. Mô hình này đã bắt đầu thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam trong năm 2023, như CloudEats, Air Kitchen, Deliany, Révi Coffee & Tea, QUỐC YẾN CLOUD KITCHEN và Cyber Kitchen. Mặc dù vẫn còn mới mẻ, Cloud Kitchen mở ra cơ hội lớn về mặt chi phí và khả năng tiếp cận khách hàng mà không cần khoản đầu tư vào cơ sở vật chất truyền thống. Đây là một mô hình có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh nhu cầu giao đồ ăn trực tuyến ngày càng gia tăng.

       

Chất lượng thực phẩm và phương pháp chế biến: yếu tố tạo nên sự khác biệt

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của doanh nghiệp F&B chính là chất lượng thực phẩm và phương pháp chế biến. Các doanh nghiệp F&B không thể chỉ tập trung vào số lượng, mà cần phải chú trọng đến sự ổn định và chất lượng của từng món ăn, thức uống mà mình cung cấp. Điều này càng quan trọng hơn khi tham gia vào các thị trường quốc tế và cuộc đua hướng tới các bảng xếp hạng uy tín như Michelin.

Michelin Guide Vietnam 2024 dành cho 3 thành phố lớn tại Việt Nam: Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng

Để có thể tham gia vào những bảng xếp hạng này, các doanh nghiệp F&B cần chứng minh khả năng sáng tạo, nghệ thuật chế biến, cũng như sự chú trọng đến chất lượng trong từng khâu. Việc đạt được các chứng nhận quốc tế không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được một lượng khách hàng quốc tế, mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu.

Bảng xếp hạng các nhà hàng, cơ sở ăn uống tại TP.HCM được Michelin vinh danh năm 2024 

 

 

Anh/Chị có thể tham gia vào Group Zalo chính thức của CEG để cập nhật bài viết cũng như những thông tin mới nhất qua đường link bên dưới: